Tế bào gốc sửa chữa tổn thương như thế nào?
Các tế bào gốc trung mô (Mesenchymal Stem Cell – MSC) là các tế bào gốc đa tiềm năng, có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau của mô bao gồm nguyên bào xương, nguyên bào sụn, tế bào cơ, tế bào mỡ,…
Khi đến được vị trí tổn thương thì các MSC sẽ thực hiện chức năng sửa chữa bằng các cách khác nhau như tiếp tục tăng sinh để cung cấp nguồn tế bào gốc cho sửa chữa tổn thương, tham gia biệt hóa trực tiếp thành tế bào chức năng, hoặc tiết ra các yếu tố giúp huy động tế bào nội sinh đến vị trí tổn thương như đã đề cập ở trên.
Sau khi MSC đi tới các vùng mô bị tổn thương, chúng tương tác chặt chẽ với các kích thích tại chỗ, như các cytokine viêm, các phối tử (ligand) của Toll-like receptor (TLRs) và sự giảm oxy. Các yếu tố này có thể kích thích MSC sản xuất một số lượng lớn các yếu tố tăng trưởng để thực hiện nhiều chức năng cho sự tái sinh mô. Nhiều yếu tố là chất trung gian quan trọng trong sự hình thành mạch và ngăn ngừa quá trình chết theo chương trình của tế bào, ví dụ yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu VEGF, yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF-1), yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi cơ bản (bFGF), yếu tố tăng trưởng tế bào gan (HGF), IL-6 và CCL-2.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, tiềm năng của MSC giảm dần theo tuổi người hiến tế bào và thời gian nuôi cấy, do đó Hiệp hội Quốc tế về Liệu pháp Tế bào khuyến cáo chỉ nên sử dụng MSC mới tách từ những bệnh nhân trẻ tuổi, không nên sử dụng tế bào từ người cao tuổi, tế bào đã qua nuôi cấy hoặc bảo quản lạnh (tế bào đã qua nuôi cấy hoặc bảo quản lạnh sẽ tăng khả năng chuyển thành dạng ác tính, có khả năng tạo u cao). Nhìn chung, các thử nghiệm trên đã cho thấy tính an toàn cao của MSC khi sử dụng, đồng thời bệnh nhân phần nào cải thiện được tình trạng bệnh.